Tôi có người bạn gọi họa sỹ Lê Phổ là ông ngoại, hai lần được bạn ấy mời đến nhà ăn cơm vào dịp lễ Giáng Sinh tôi đều được gặp vợ chồng họa sỹ Lê Phổ. Họa sỹ lúc đó đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tóc bạc trắng, rất hiền và ít nói. Vợ ông là người Pháp, bà Paulette Vaux, trước đây bà là phóng viên báo Life & Time ở Paris, bà nhỏ nhắn, đẹp, cởi mở, vui tính . Mọi người nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, tôi chỉ ngồi nghe và trả lời khi được hỏi thôi, vì lúc đó tôi nói tiếng Pháp còn chưa tốt lắm. Hồi đó chưa có mạng internet, nên tìm kiếm tài liệu rất vất vả, tôi phải đợi đến cuối tuần mới có thời gian vào thư viện tìm đọc những bài viết về ông, coi phiên bản tranh của ông, người Pháp đánh giá rất cao tài năng hội họa của ông, gọi ông là “họa sỹ thần thánh” (Divine Painter), hoặc là “Danh họa Việt Nam trên đất Pháp”. Ông có tranh được trưng bày trong các bảo tàng danh giá ở Paris và ở nhiều Galerie trên thế giới. Tôi cảm thấy rất hân hạnh vì được quen biết một họa sỹ tài năng như thế.
Bức màn tím vẽ trên lụa
Ở Việt Nam, với những người bình dân yêu hội họa thì Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái…đã rất quen thuộc, nhưng với Lê Phổ thì chắc còn xa lạ lắm. Họa sỹ Lê Phổ (1907-2001 ) là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương Hà Nội năm 1925. Ông là một trong sinh viên xuất sắc và được xếp vào nhóm sinh viên “tinh hoa” của khóa học.Tạp chí Designs.VN nhận xét : “Tranh Lê Phổ giàu tính biểu cảm, đề tài và lối thể hiện vừa gần gũi, chân thực, nhưng cũng rất đài các, cao sang. Màu tươi sáng, hấp dẫn thị giác nên được phần đông giới thưởng ngoạn yêu thích. Tranh của Lê Phổ có “khí chất” Á Đông rất rõ, và riêng biệt, không bị trộn lẫn, nên được nhiều khách phương Tây sưu tầm. Ông đã vận dụng rất khéo các chủ đề phổ quát của văn hóa phương Tây – nhất là chủ đề từ kinh thánh, rồi lồng ghép vào khung cảnh Á Đông, hoặc Việt Nam.”
Cô gái với khăn quàng cổ màu xanh, vẽ trên lụa
Họa sỹ Lê Phổ vẽ rất nhiều tranh trên lụa và có nhiều tác phẩm nổi tiếng trên chất liệu này, tuy nhiên theo ông thì vẽ trên lụa có nhiều hạn chế về kỹ thuật, mầu sắc…làm cho ông khó bộc lộ hết những gì mà ông muốn thể hiện, nên sau này ông chuyển qua vẽ tranh sơn dầu trên vải.
Trong suốt cuộc đời của mình, dù định cư tại Pháp từ năm 1937 và từ đó không về thăm lại quê hương, họa sĩ Lê Phổ luôn nhắc về những tình cảm sâu đậm của mình với quê hương, đất nước. Trong tranh của ông, những đặc trưng về Việt Nam, Á Đông được thể hiện qua nét vẽ những người phụ nữ hoà mình với tự nhiên và trẻ thơ. Một hình ảnh khác thường xuất hiện là những bông hoa. Nhà phê bình Waldemar nhận xét Lê Phổ thể hiện nỗi nhớ quê hương bằng hàng ngàn bông hoa. Bà Vaux, vợ ông tâm sự: “Ông yêu hoa, và hoa luôn xuất hiện trong tranh của ông ở cả hai giai đoạn trong tranh lụa và sơn dầu”.
Hai cây thuốc, vẽ trên lụa
Vào tháng 9 năm 1993, khi tuổi đã cao, họa sĩ Lê Phổ bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng bằng một “món quà”. Họa sĩ nói: “Tôi ở Pháp 60 năm nay, tôi mang quốc tịch Pháp nhưng không lúc nào tôi không nhớ đến quê hương. Vì thế tôi đã để riêng ra 20 bức tranh lựa chọn rất cẩn thận để biếu bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.”
Hoài cố hương, vẽ trên lụa
Tĩnh vật hoa
Tĩnh vật hoa
Tranh của ông hiện có giá trị rất cao trên thị trường chuyển nhượng, mua bán các tác phẩm nghệ thuật. Vào tháng 4 năm 2012 bức tranh “ Bức màn tím “ của ông vẽ năm 1942-1945 đã được bán đấu giá tại Hồng Kông với giá 2,9 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 8 tỷ đồng việt nam).